Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Nhận định của Phi Thanh Vân về thảm họa 'Nàng men, chàng bóng'

Thảm họa 'Nàng men, chàng bóng' bị dư luận ném đá quyết liệt thì Phi Thanh Vân lại có những nhận định rất khác biệt.

Hai ngày trước khi ra rạp hôm 31/8, Nàng men chàng bóng - bộ phim điện ảnh có sự tham gia của Đinh Ngọc Diệp và Ngô Kiến Huy - đã bị giới truyền thông và khá đông khán giả được xem trước chê bai thậm tệ về chất lượng. Phim quy tụ những màn tấu hài bị coi là nhảm nhí, thô thiển và bóp méo người đồng tính đến mức nhiều người thuộc thế giới thứ ba đã kêu gọi tẩy chay Nàng men chàng bóng.

Tuy nhiên khi đi xem, nữ diễn viên Phi Thanh Vân đã có một góc nhìn khác về bộ phim này. Dưới đây là cảm nhận của người đẹp "Da nâu" về bộ phim.


Phi Thanh Vân đưa ra rất nhiều lý do khi khen "Nàng men chàng bóng".
"Nàng men chàng bóng càng đến gần ngày công chiếu càng nóng. Nóng vì đạo diễn Võ Tấn Bình là người đã thành công với hàng loạt giải vàng và rất được khán giả yêu thích qua bộ phim Hương phù sa. Nhưng nóng nhất là do bộ phim đề cập đến giới tính – một đề tài nhạy cảm và rất dễ khiến mọi người “sục sôi” bàn tán. Vì tò mò, tôi đã đến rạp ngay ngày đầu công chiếu.

Quả thật là sau chục phút đầu, tôi đã hơi bị sốc vì những cảnh hành động của Út Chót (Ngọc Diệp thủ vai) quá xạo, quá lố, tới mức gần như một siêu nhân. Tôi sốc vì những cảnh hài quá rộn ràng và cũng quá lố. Nhưng rồi tôi chợt sực tỉnh và tự nhủ: “Ô kìa, mình đang đi xem một bộ phim giải trí kia mà. Hãy thoải mái xem”.

Càng xem tôi càng chìm đắm vào khung cảnh sông nước đằm thắm hữu tình. Những cảnh quay sông nước, ghe tàu quá đẹp, quá có hồn.

Ở Hollywood, người ta thường khuyên ba điều khó nhất (và nên tránh) khi làm phim, đó là dính tới thú vật, sông nước ghe tàu và trẻ con. Vậy mà Nàng men chàng bóng, trong điều kiện hạn hẹp của điện ảnh Việt Nam lại dám chọn quay trên sông nước, mà lại là hành động nữa chứ. Nhiêu đó thôi cũng đủ hiểu đoàn phim khổ cực tới mức nào.


Người đẹp "Da nâu" khen những cảnh hành động trong "Nàng men chàng bóng" mãn nhãn và ép phê.
Và ngạc nhiên thay, những cảnh hành động đó mãn nhãn vô cùng, ép phê vô cùng, đến nỗi nhóm bạn trẻ ngồi gần tôi đã thốt lên “Y như phim nước ngoài”. Càng phục hơn khi biết rằng những cảnh hành động đó không hề sử dụng kỹ xảo, có chăng chỉ là xóa dây – điều mà phim hành động Mỹ cũng buộc phải làm. Gần như toàn bộ những cảnh đánh nhau, rượt đuổi cano ở tốc độ “đứng tim” đều là cảnh quay thật, đều do những diễn viên vốn “liễu yếu đào tơ” dũng cảm thực hiện. Còn những cảnh hài, công tâm mà nói, đúng là kiểu hài dân gian sông nước, đúng với tính cách sôi nổi, bộc trực và tưng tửng của người miền Tây. Khán giả xem cười từ đầu đến cuối, cười thoải mái.

Làm một phim hài – hành động bao giờ cũng rất khó. Khó vì chẳng dễ gì khiến người ta cười, khó vì chẳng dễ gì có được những cảnh hành động hay trong thời đại mà khán giả quá quen với dạng phim hành động đỉnh cao của Mỹ hay Trung Quốc… Vậy mà Nàng men chàng bóng đã làm được hai thứ đó rất “ngọt”.

Có vài hạn chế là những cảnh hài đôi khi hơi lố và những cảnh hành động có phần phi thực tế. Dù sao, đó cũng là đặc thù của thể loại này. Bạn cũng thấy những phim hài – hành động nước ngoài luôn rất lố tay mà. Phải như vậy thì khán giả mới sướng.


Phi Thanh Vân cho rằng làm phim hài - hành động cứ phải lố tay thì khán giả mới sướng.
Còn chuyện đi sâu vào giới tính thì tôi không dám lạm bàn, mỗi người xem sẽ tự mình phán xét, suy ngẫm. Tôi chỉ có thể nói chắc rằng bộ phim không hề bài bác hay làm tổn thương những người thuộc “thế giới thứ ba”. Riêng tôi thấy những cảnh liên quan đến “bóng” trong phim này là khá dễ thương, nhẹ nhàng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét